Các thành tựu đạt được
Thành tích 50 năm
xây dựng, phát triển và trưởng thành của
trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ- tổng cục ĐBVN
09/4/1962 - 09/4/2012
- Kính thưa các vị khách quý |
- Kính thư các thầy giáo, cô giáo, toàn thể CBCNV, giáo viên, học sinh của nhà trường.
Trong không khí thi đua sôi nổi của cả nước chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5.
Hôm nay, 09/4/2012 nhà trường long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường 09/4/1962 - 09/4/2012.
Trong buổi lễ trọng thể này, thay mặt lãnh đạo nhà trường tôi xin chân thành cảm ơn và chào mừng sự có mặt cổ vũ động viên của các đồng chí đại diện lãnh đạo Tổng Cục ĐBVN, công đoàn Tổng Cục ĐBVN, các đồng chí lãnh đạo Thị uỷ - HĐND - UBND thị xã Chí Linh, phường Cộng Hoà, lãnh đạo các đơn vị cùng đứng chân trên địa bàn thị xã Chí Linh và đặc biệt là sự có mặt của các bác nguyên là lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các đơn vị phòng ban, khoa của trường trong các thời kỳ và đại diện ban liên lạc hội cựu giáo chức nhà trường.
Xin kính chúc các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể các bác, các đồng chí mạnh khoẻ - hạnh phúc.
Kính thứ quý vị đại biểu
Thưa toàn thể các đồng chí
Thay mặt lãnh đạo nhà trường tôi xin báo cáo khái quát quá trình 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của nhà trường như sau:
Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ - Tổng Cục ĐBVN nằm trong hệ thống trường dạy nghề Nhà nước tiền thân là Trường lái xe Hoà Bình được thành lập theo Quyết định số 465 CB2/QĐ ngày 09/4/1962 của Bộ GTVT mang tên Trường lái xe Tiền Tiến đóng tại phố Chăm - Thị xã Hoà bình - Tỉnh Hoà Bình. Trường có nhiệm vụ đào tạo công nhân lái xe ô tô, thợ cơ khí sửa chữa ô tô, cung hạt trưởng giao thông cung cấp cho ngành GTVT, các ngành khác trong cả nước và đào tạo cho các nước bạn Lào và Căm Pu chia.
* Những năm đầu sau khi thành lập:
* Thời kỳ từ 1962 - 1965: Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, phòng ban làm việc, lớp học, xưởng trưởng, nhà ở đều nhà tạm, mái lợp tranh nứa lá, trang thiết bị, đồ dùng học tập đơn giản chỉ có 40 đầu xe tập lái với nhiều chủng loại do bộ điều động đầu tư, bộ máy có 50 CBCNV, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm vừa củng cố, vừa xây dựng cơ sở vật chất vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, giai đoạn này nhà trường đã đào tạo được 250 học sinh tốt nghiệp lái xe và hàng trăm cán bộ cung, hạt trưởng giao thông, bước đầu trường hoàn thành nhiệm vụ được giao.
* Thời kỳ từ 1965 - 1975: Đặc điểm tình hình của cả nước là tổ chức đào tạo trong chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, đây là thời kỳ khó khăn gian khổ nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo.
Yêu cầu đặt ra và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo đòi hỏi phải bố trí phân tán, cơ động, bí mật, an toàn, liên tục và phát triển theo nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm đảm bảo an toàn lực lượng, duy trì nhiệm vụ đào tạo trong mọi tình huống, tháng 5 năm 1965 nhà trường vừa sơ tán ra khỏi thị xã Hoà Bình, thì sau đó ít ngày khu vực trường đóng quân bị bom Mỹ oanh tạc, thiêu cháy.
Tháng 6 năm 1965 Bộ GTVT Quyết định hợp nhất Trường lái xe 19/8 với trường lái xe Hoà Bình lấy tên chung là Trường lái xe Hà Bắc có trụ sở đóng tại huyện Sơn Động - tỉnh Hà Bắc nay là tỉnh Bắc Giang.
Lúc này các đơn vị huấn luyện được phân tán đóng quân ở nhiều địa điểm để tránh máy bay Mỹ oanh tạc như:
- Lục Nam - Sơn Động - Bắc Giang
- Đình Lập - Tiên Yên - Quảng Ninh
- Bản Trang - Cao Lộc - Lạng Sơn
- Thạch An - Đông Khê - Cao Bằng
- Cộng Hoà - Chí Linh - Hải Dương
Nhiệm vụ đào tạo gấp, số lượng lớn, loại hình đào tạo linh hoạt từ 12 tháng xuống 6 tháng, 3 tháng, có giai đoạn cao điểm thời gian chỉ có 45 ngày đối với lái xe ô tô.
Bộ máy với gần 800 CBCNVC, giáo viên, ban giám hiệu có lúc 05 đồng chí, phương tiện quản lý có 158 đầu xe tập lái đa dạng mác kiểu xe như D352, D450, gát 51, gát 69, CA10, Zin 164, phương tiện, thiết bị đào tạo công nhân cơ khí, cơ khí sửa chữa ô tô mô hình học cụ nghèo nàn, cũ nát được lấy ra từ các xe thanh lý ...
- Lượng học sinh ra vào có thời kỳ tới 2.000 học sinh/năm, đối tượng là thanh niên, học sinh, bộ đội, trong đó có một số khoá đào tạo giúp đỡ cho hai nước bạn Lào, CămPuchia.
- Đến năm 1972 do yêu cầu nhiệm vụ bổ sung lực lượng tham gia vận tải phục vụ chiến trường ngày càng lớn cần mở rộng quy mô đào tạo, Bộ GTVT quyết định tách trường lái xe Hà Bắc thành 2 đơn vị, lực lượng ở lại Hà Bắc mang tên trường lái xe số 1.
- Lực lượng điều động đặt địa điểm tại thôn Đồng Giang - Xã Trung Mỹ - Huyện Bình Xuyên - Tỉnh Vĩnh Phúc sau chuyển đến xã Minh Phú - Huyện Sóc Sơn - Thành phố Hà Nội được thành lập gọi tên là Trường lái xe số 2.
Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược” tập thể CBCN, giáo viên, học sinh vừa học tập vừa củng cố xây dựng cơ sở vật chất duy trì tiến độ đào tạo.
Mười năm khắc phục khó khăn, mười năm gian khổ phấn đấu nhà trường đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong điều kiện chiến tranh ác liệt, số học sinh được đào tạo ra trường là 12.330 học sinh; Trong đó có một số học sinh cơ khí và lái xe ô tô giúp bạn Lào, CămPuChia; Với 3 đợt vận chuyển hàng hoá số lượng hàng trăm đầu xe tham gia theo yêu cầu Bộ Tư lệnh tiền phương. Hàng vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men đã được thầy trò học tập kết hợp vận tải ra tiền tuyến góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
* Thời kỳ 1976 - 1986: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã giành được thắng lợi, đất nước được thống nhất, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng toàn quốc lần thứ 4.
Để phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển trong hoà bình và từng bước điều chỉnh nề nếp đào tạo theo hướng chính quy hiện đại. Tháng 12 năm 1976 Bộ GTVT quyết định di rời toàn bộ cơ sở vật chất của trường lái xe số 1 tại Sơn Động - Hà Bắc (Bắc Giang) về cơ sở đào tạo mới tại phường Cộng Hoà - Thị xã Chí Linh - Tỉnh Hải Dương.
Với Quyết định trên đã chuyển đổi hình thức tổ chức đào tạo của trường từ các điểm phân tán đến tập trung, hình thức tổ chức bộ máy, định viên, bố trí nơi làm việc, ăn ở, bảo quản tài sản phương tiện, quản lý bước đầu gặp những khó khăn nhất định, nhà cửa, lớp học chủ yếu vẫn là tranh, tre, nứa, lá.
Với tinh thần chỉ đạo thực hiện vừa đào tạo, vừa củng cố xây dựng cơ sở vật chất mới của nhà trường như khu làm việc văn phòng, các lớp học lý thuyết, nhà xưởng, đồng thời đào tạo giải quyết tồn đọng số học sinh học hệ 12 tháng, xây dựng thực hiện chương trình đào tạo 18 tháng theo Quyết định số 104 ngày 01/4/1976 của Tổng Cục dạy nghề chuẩn hoá chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện tổ chức quản lý, điều hành tập trung. Năm 1987 Bộ GTVT cho phép điều chỉnh lại dự án xây dựng, do đó trong 8 năm (1978 - 1986) khối lượng xây lắp đã được thực hiện các hạng mục như nhà ở của học sinh với sức chứa là 900-1.200 học sinh, khu văn phòng làm việc, các phòng học lý thuyết, lắp ráp thiết bị đồng bộ, trạm bảo dưỡng do Liên Xô viện trợ (Xưởng AVS) tổ chức thi công lưới điện hạ thế, tiếp nhận một số xe Zin 130 tăng cường cho đào tạo. Thời kỳ này Trường lái xe số 2 được bộ đầu tư xây dựng với trường lái xe số 1 nhằm nâng cao công tác đào tạo nghề lái xe ô tô là chủ yếu.
Sau 10 năm hoà bình thống nhất, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV, V, đặc biệt là sự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 4 năm 1986) Bộ GTVT đã có sự chuyển hướng trong công tác bố trí sắp xếp lại lực lượng đào tạo toàn ngành.
Nhiệm vụ đào tạo nhà trường được duy trì với 6.503 học sinh, đào tạo mới 484 học sinh bổ túc chuyển hạng, đào tạo 288 giáo viên dạy thực hành lái xe.
Chính sách giảm nhẹ biên chế được thực hiện có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, dần dần xoá bỏ chế độ bao cấp, thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết đại hội đảng lần thứ VI.
* Giai đoạn từ năm 1987 đến nay (4/2012): Tháng 6 năm 1987 Bộ GTVT có Quyết định sát nhập trường lái xe số 2 vào trường lái xe số 1, trình tự thực hiện trong quý III năm 1987. Định biên sau khi 2 trường sát nhập là 281 CBCNVC, 86 đầu xe và một số tài sản tăng thêm khi 2 trường sát nhập lại và tên gọi mới của trường là “Trường lái xe” Bộ GTVT.
- Năm 1995 Trường lái xe - Cục Đưường bộ Việt Nam nay là Tổng cục đường bộ VN ngoài nhiệm vụ đào tạo lái xe, công nhân cơ khí sửa chữa bảo dưỡng ô tô, theo chỉ tiêu được Bộ giao hàng năm thêm một số chức năng toàn ngành tập trung vào 4 lĩnh vực mới sau:
+ Nghiên cứu khoa học dạy nghề để ứng dụng xây dựng đổi mới chương trình phương pháp đào tạo (Đào tạo lái xe trên ca bin điện tử, xây dựng băng hình đào tạo một số môn học ...).
- Thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe cho ngành và các ngành khác có nhu cầu.
- Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biên soạn thành tài liệu giáo trình giảng dạy để phổ biến và áp dụng chung trong phạm vi toàn quốc.
- Xây dựng cơ sở vật chất và TTSHLX tự động đầu tiên trong cả nước
Giai đoạn này Nhà nước xoá bỏ bao cấp, thực hiện nền kinh tế thị trường, do vậy trên xu hướng vận động, hoà nhập của trường gặp nhièu khó khăn phải khắc phục.
+ Lực lượng CBCNVC lớn (281) bộ máy cồng kềnh, chỉ tiêu tuyển sinh được giao bình quân năm 350 học sinh, ngân sách cấp hạn chế, thu nhập đời sống của CBCNV gặp nhiều khó khăn.
+ Cơ sở nhà trường đóng xa trung tâm thị xã, thành phố trên thị trường có nhiều cơ sở đào tạo, người học được phép lựa chọn nơi học, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó ,khăn.
+ Cơ sở vật chất nhà trường như phòng làm việc, lớp học, phương tiện thiết bị xuống cấp lạc hậu, thời gian đào tạo lái xe thay đổi, chương trình đào tạo từ 18 tháng xuống 12 tháng (1989), từ 9 tháng xuống 7 tháng (12/01/1998), từ 7 tháng xuống 5 tháng (12/2001), do đó nhiệm vụ điều chỉnh chương trình kế hoạch, giáo trình, sách giáo khoa gặp rất nhiều khó khăn, việc khai thác công suất thiết bị phương tiện, bố trí sắp xếp việc làm.
- Từ những đặc điểm tình hình trên, BCH Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường đã họp đề ra những chủ trương, giải pháp vận dụng tổ chức lãnh đạo đúng đắn kịp thời, giải quyết những khâu trọng tâm, từng bước tháo gỡ giải toả dần những khó khăn.
+ Năm 1987 - 1990 nhà trường thực hiện cuộc vận động tinh giảm biên chế gắn liền với chấn chỉnh tổ chức bộ máy, định viên với 3 đợt trong 3 năm 1987, 1988, 1990; 194 CBCNVC đã được giải quyết chế độ hưu, mất sức, nghỉ thôi việc hưởng trợ cấp một lần. Từ năm 1990 số CBCNVC còn lại là 110, trong đó có 79 là công chức biên chế nhà nước và 31 trường hợp là hợp đồng lao động. Đến nay số CBCNVC nhà trường là 115, trong đó 69 là biên chế, 46 là hợp đồng lao động, bộ máy nhà trường được sắp xếp theo hướng thu gọn với 09 phòng , khoa, hai trung tâm.
Ngày 17/11/2006 Bộ GTVT có Quyết định số 2487 nâng cấp và thành lập Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ trực thuộc Tổng Cục ĐBVN trên cơ sở Trường KTNV cơ giới đường bộ nhà trường có nhiệm vụ sau:
- Đào tạo và bồi dưỡng người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở trình độ trung cấp nghề với các chuyên ngành:
- Công nghệ ô tô
- Hàn, Gia công cắt gọt
- Điện công nghiệp, Điện dân dụng, Tin học văn phòng
- Vận hành máy thi công nền
ở trình độ sơ cấp nghề gồm: Các chuyên ngành của hệ đào tạo trung cấp nghề, lái xe ô tô các hạng B1-C
Đào tạo khác gồm:
- Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ từ A1 - A4; D - E, F.
- Đào tạo cán bộ quản lý nghiệp vụ giao thông vận tải
- Đào tạo cán bộ sát hạch lái xe cơ giới đường bộ
- Đào tạo giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô
- Tổ chức ôn luyện, thi lái xe ô tô tại TTSHLX số 1
- Mở rộng liên kết các loại hình đào tạo cao đẳng, đại học
- Đề xuất cải tiến mục tiêu kế hoạch, chương trình, giáo trình phục vụ đào tạo theo các nghề được giao để áp dụng chung trong phạm vi toàn quốc.
- Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biên soạn thành tài liệu giảng dạy trong ngành.
Dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng uỷ, chính quyền và các tổ chức quần chúng trường thực hiện điều hành tập trung vào 05 nhiệm vụ chủ yếu trong những năm tới đó là:
1) Tiếp tục đổi mới phát triển giáo dục đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá .
2) Xây dựng, chấn chỉnh đội ngũ theo yêu cầu chuẩn hoá chức danh công chức.
3) Điều chỉnh lại chương trình, giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức thực hiện tuyển sinh, mở rộng loại hình đào tạo theo hướng: đa ngành, đa lĩnh vực, đa khu vực.
4) Từng bước cải tạo cơ sở vật chất gắn liền với công tác quy hoạch và xúc tiến XDCB theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
5) Bảo đảm việc làm, thu nhập, đời sống ổn định, chấp hành chế độ quản lý chi tiêu ngân sách và tham gia tích cực các mặt công tác xã hội.
Thực hiện tốt 05 nhiệm vụ trên, có sự lãnh đạo kịp thời đúng đắn của BCH Đảng uỷ và sự phấn đấu tích cực của chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng, sự lãnh chỉ đạo kịp thời của Tổng Cục ĐBVN, Bộ GTVT, các cơ quan trung ương và địa phương nên nhiệm vụ đào tạo nhà trường đã đạt được một số kết quả nhất định.
Các ngành nghề nhà trường được giao đào tạo hiện nay gồm các nghề:
+ Hệ Trung cấp nghề: Công nghệ ô tô, Hàn, Gia công cắt gọt, Điện dân dụng, Điện công nghiệp, Tin học văn phòng, Vận hành máy thi công nền. quy mô đào tạo từ 300 - 400hs/năm
+ Hệ sơ cấp nghề gồm: Các nghề thuộc hệ Trung cấp nghề, lái xe ô tô các hạng từ hạng B1, B2, C; đào tạo khác lái xe ô tô nâng hạng D, E, lái xe mô tô hạng A1, giáo viên dạy thực hành lái xe. quy mô đào tạo từ 2.500 - 3.500hs/năm
- Cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường hiện nay gồm có Ban Giám hiệu, 11 đơn vị phòng khoa Trung tâm trực thuộc.
- Đội ngũ CBCC-LĐ nhà trường hiện có: 107 người
- Trình độ đội ngũ:+ Thạc sỹ : 06 người = 5%
+ Đại học, Cao đẳng : 92 người = 85%
+ Trung cấp : 03 người = 2%
+ Sơ cấp : 06 người = 5%
Hầu hết các hội giảng cấp tỉnh, ngành và toàn quốc đều có giáo viên nhà trường tham gia và đã đạt nhiều giải thưởng cao.
Có 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Có 06 thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc ( 03 giải nhất, 02 giải nhỡ, 01 giải ba) 25 giỏo viờn dạy giỏi cấp bộ, ngành và cấp tỉnh. 07 thầy đạt giải lái xe giỏi toàn quốc, ngành. Nhà trường cũng đã cử học sinh tham gia hội thi học sinh giỏi nghề các cấp, ngành và toàn quốc, đã có những học sinh của trường đạt giải cao trong các hội thi.
- Tháng 7 năm 1995 sau khi chuyển giao nhiệm vụ sát hạch từ Bộ Công an sang Bộ GTVT nhà trường đã đào tạo hàng ngàn giám khảo sát hạch viên từ Bắc vào Nam, phục vụ cho ngành.
- Nhà trường đã chủ động hoàn thiện hệ thống giáo trình đầy đủ cho các môn học, các loại giáo trình cơ bản như kỹ thuật lái xe, luật giao thông đường bộ, bảo dưỡng sửa chữa ô tô ... được sử dụng giảng dạy lý thuyết trên băng hình và sử dụng nhiều trang thiết bị đồ dùng giảng dạy do các thầy cô giáo sáng chế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật huấn luyện học sinh trên ca bin tập lái để tiết kiệm chi phí đào tạo.
- Nhiệm vụ tổ chức đào tạo mở rộng theo hướng đa ngành, đa diện, đa khu vực với các hình thức dài hạn, ngắn hạn, tập trung, tại chức học trình, học phần, liên thông học cơ khí sửa chữa ô tô với học thi GPLX ô tô các hạng, tạo thị trường thu hút công tác tuyển sinh, khai thác phát huy thiết bị phương tiện, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho đời sống CBCNVC.
- Năm 1992 nhà trường được sự quan tâm của Bộ GTVT, Cục ĐBVN, các ban ngành ở Trung ương và địa phương đầu tư xây dựng 02 dự án cải tạo nâng cấp trườngvà xây dựng TTSHLX số 1. Đến tháng 12 năm 2005, dự án cải tạo, nâng cấp trường với số vốn trên 7 tỷ đồng đã hoàn thành. Cơ sở vật chất của nhà trường được nâng lên đáng kể như ,khu giảng đường diện tích 990m2, nhà làm việc 1.080m2, khu ký túc xá học sinh 3 tầng 1.450m2, nhà ăn tập thể 350 chỗ ngồi v.v ...
Tháng 10 năm 1999 được sự quan tâm của Bộ GTVT, Cục ĐBVN trường đã tổ chức khởi công xây dựng công trình TTSHLX số 1 có thiết bị chấm điểm, báo lỗi tự động theo tiêu chuẩn hiện đại đầu tiên trong cả nước, trung tâm đã được khánh thành tháng 6 năm 2001 và đi vào hoạt động với công suất trên 10.000 thí sinh dự thi/năm với vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng đã và đang hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, làm giảm thiểu những tai nạn do lái xe gây ra.
Kính thưa các vị đại biểu
- Như vậy kể từ ngày thành lập trường đến nay, với 50 năm xây dựng và trưởng thành, do yêu cầu nhiệm vụ: Lúc chia tách, lúc sát nhập, khi thay đổi tên gọi và địa điểm nơi đóng quân. Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ đã đào tạo được 62.573 công nhân lái xe ô tô các hạng; hơn 2000 thợ sửa chữa ô tô, thợ hàn, thợ tiện, thợ điện, kỹ thuật công nghệ thông tin; 1.914 công nhân vận hành lái máy thi nền; 450 giáo viên dạy lái xe ô tô; 37.340 học viên lái xe mô tô A1; nâng bậc thợ cho trên 100 công nhân; liên kết đào tạo đại học tại chức trên 200 sinh viên chuyên ngành cầu đường bộ; liên kết đào tạo chuyên tu cao đẳng sư phạm kỹ thuật trên 100 sinh viên chuyên ngành cơ khí động lực, phối hợp tổ chức ôn luyện-sát hạch cho trên 100.000 thí sinh thi lấy GPLX các hạng thuộc các tỉnh trong khu vực.
Đào tạo nghiệp vụ cho hàng trăm các cung trưởng, hạt trưởng giao thông đã góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, trong đó phải kể đến có hàng trăm công nhân kỹ thuật của 2 nước bạn Lào và Cam Phu Chia đã được đào tạo từ mái trường này góp phần nhỏ bé trong bức tranh sinh động về quan hệ Quốc tế.
Ghi nhận những thành tích đóng góp của tập thể CBCC, giáo viên nhà trường, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho trường 03 Huân chương Lao động Hạng Nhì và Hạng Ba; Nhiều tập thể, cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý; Nhiều năm đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh; Trường được công nhận trường tiên tiến xuất sắc; Chất lượng đào tạo ngày một nâng lên rõ rệt, được xã hội chấp nhận và đánh giá cao, xứng đáng là nơi đào tạo công nhân lái xe có uy tín và tin cậy của xã hội.
Trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của nhà trường 50 năm qua, chúng ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Tuy nhiên có lúc, có thời gian chúng ta cũng có những nhược điểm, sai lầm,thậm chí khuyết điểm, đó cũng là lẽ thường tình bởi công cuộc đổi mới với những bước đi ban đầu có thể khó tránh khỏi khuyết điểm. Cái quan trọng là chúng ta biết phát huy ưu điểm, phát huy những thành tích đã đạt được coi những yếu điểm, tồn tại là những bài học quý để đưa nhà trường ngày càng phát triển, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học kỹ thuật của hội nhập và hợp tác quốc tế, với bản lĩnh, năng lực và trí tuệ của mình, với sự ủng hộ tạo điều kiện giúp đỡ của cấp trên và các cấp chính quyền đại phương. Nhà trường lại đóng quân tại thị xã Chí Linh anh hùng mảnh đất địa linh nhân kiệt, thời gian tới chúng tôi tin trưởng rằng Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ sẽ tiếp tục là thương hiệu mạnh và uy tín trong hệ thống trường dạy nghề của cả nước, là địa chỉ tin cậy của thanh niên muốn vươn lên làm chủ khoa học, kỹ thuật.
- Kính thưa quý vị đại biểu
- Thưa toàn thể các đồng chí
Kỷ niệm 50 năm xây dựng - phát triển và trưởng thành của nhà trường hôm nay, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo nhà trường:
- Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT, Bộ GD-ĐT, Tổng cục ĐBVN, Công đoàn ngành GTVT.
- Xin chân thành cảm ơn về sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền và nhân dân các địa phương Bắc Giang, Hà Nội, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hải Dương.
- Xin chân thành cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, CBCNVC đi trước đã tạo dựng nền tảng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ giáo dục, đào tạo để nhà trường tiếp tục phát triển được như hôm nay.
Trong giai đoạn mới, thời kỳ mới, nhiệm vụ mới, cơ hội mới trước mắt nhà trường còn nhiều việc phải làm nhưng những thành quả tạo dựng được đến thời điểm này bước đầu đã khẳng định: thế, lực, uy tín và đẳng cấp của nhà trường hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hội nhập và hợp tác quốc tế.
- Xin kính chúc sức khoẻ căc quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí có mặt tại buổi lễ trọng thể này.
Nhà trường mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo trung ương, địa phương, sự cổ vũ, động viên của các thế hệ đi trước với sự nghiệp đào tạo, xây dựng và phát triển của nhà trường.
Xin trân trọng cám ơn!.